Phát triển vượt bậc…
Như tin đã đưa, chiều 8/3, lãnh đạo Đà Nẵng đã mở “Hội nghị Diên Hồng” để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế về những động lực phát triển mới của TP trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Tại đây đã có những sự thật về việc phát triển công nghiệp phần mềm (CNPM), một bộ phận không tách rời của công nghệ thông tin (CNTT), trên địa bàn Đà Nẵng lần đầu tiên được “bật mí”.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp PM Đà Nẵng Phạm Kim Sơn (nguyên Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng) phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: Hải Châu)
Ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp PM Đà Nẵng (nguyên Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng) cho hay, doanh thu của CNTT trên địa bàn TP cách đây 17 năm chỉ gần như con số 0, nhưng đến cuối tháng 12/2017 đã lên hơn 15.000 tỉ đồng. Trong đó doanh thu CNPM gần 3.000 tỉ đồng; doanh số xuất khẩu PM 68 triệu USD.
“So với năm 2006 thì xuất khẩu PM tăng 50 lần. Lao động làm việc trong lĩnh vực CNPM năm 2003 chỉ khoảng 300 người; đến nay đã lên gần 10.000 người. Những con số như vậy nói lên thành tựu của Đà Nẵng trong hơn 10 năm qua đã hình thành được một nền công nghiệp mới là CNPM, nằm trong CNTT!” – ông Phạm Kim Sơn nói.
Nhưng cùng với đó, ông Phạm Kim Sơn cho biết là thách thức đối với CNPM của Đà Nẵng hiện nay cũng rất lớn. Trong đó, thách thức lớn nhất là sau 15 năm phát triển, CNPM Đà Nẵng không có hạ tầng để bảo đảm tiếp tục phát triển như là một ngành kinh tế nhiều triển vọng. Trong 10 năm qua, gần như không có đầu tư gì cho hạ tầng CNPM.
Năm 2009, TP đưa Khu Công viên phần mềm (CVPM) số 1 vào hoạt động. Từ đó đến nay không có bất kỳ sự đầu tư thêm nào cho hạ tầng CNPM. Năm 2010, TP có đưa ra dự án Khu CVPM số 2 ở Khu đô thị quốc tế Đa Phước, nhưng sau 7 năm vẫn chưa hình thành. Mặc dù có 2 lần nhà đầu tư gửi công văn cho TP, sẵn sàng đầu tư 1.800 tỉ đồng vào dự án này nhưng vì lý do này, lý do khác, đến nay vẫn không có cái gì cả.
Hạ tầng xã hội cho nhân lực PM hiện cũng hết sức khó khăn. Nhiều doanh nghiệp PM số lượng lao động phát triển nhưng không có nhà ở. Có đơn vị nước ngoài đến Đà Nẵng nghiên cứu, mong muốn thiết lập một Trung tâm PM với khoảng 6.000 lập trình viên, nhưng sau 2 tuần thì họ bỏ đi vì hạ tầng CNPM không có, nhân lực thiếu.
Và những sự thật lần đầu được “bật mí”
“Thực sự trong hơn 10 năm qua, không phải chúng ta thiếu chính sách. Tất cả đều có. Chúng ta có chiến lược phát triển CNTT; có kế hoạch phát triển CNTT 5 năm, 10 năm và tầm nhìn năm 2025; có dự án, đề án xây dựng “TP thông Minh”; có dự án phát triển Khu CNTT số 1, Khu CNTT số 2, Khu CVPM số 2 và một số dự án khác của tư nhân. Nhưng cho đến nay gần như những thách thức của ngành CNPM vẫn còn nguyên.
10 năm qua, giải pháp chúng ta đã nêu ra hết rồi. Bây giờ chỉ có làm sao thực hiện được các giải pháp đã có. Muốn thực hiện được thì chúng ta phải quyết tâm, phải đồng thuận trong lãnh đạo, trong các sở, ban, ngành, trong cộng đồng doanh nghiệp để có thể đầu tư nguồn lực tài chính, nhân lực, xúc tiến đầu tư nước ngoài, trong nước… Đó là những cái đối với CNPM và CNTT nói chung mà chúng ta gần như thiếu vắng trong 10 năm qua” – Ông Phạm Kim Sơn nói.
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, chính sách và phương hướng phát triển KT-XH của Đà Nẵng từ lâu đã đặt vấn đề ưu tiên phát triển ngành CNTT và cũng đã có nhiều quan tâm, nhiều định hướng đầu tư. Đơn cử như từ trước năm 2010 đã khởi công Khu CNTT tập trung và đã dành sự ưu ái rất lớn, chỉ thu vài chục tỉ đồng tiền đất đối với dự án hàng trăm hecta này.
Tiếp đó, trong quy hoạch, thiết kế Khu đô thị quốc tế Đa Phước, TP Đà Nẵng dành 10ha để đầu tư CVPM số 2. Khi đó ông Huỳnh Đức Thơ còn làm Giám đốc Sở KH-ĐT cũng đã cùng với ông Phạm Kim Sơn (lúc đó là Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng) ra Trung ương xin vốn, được bố trí mấy tỉ đồng, cũng về triển khai lập dự án, duyệt dự án, thi tuyển kiến trúc…
“Nhưng rồi Thường trực Thành ủy Đà Nẵng lúc đó đưa ra bàn lại và hủy dự án Khu CVPM số 2 để giao đất lại cho Công ty đô thị Đa Phước. Hồi đó thái độ của các sở, ban, ngành chưa đủ quyết liệt để giữ lại khu đó. Bây giờ anh Sơn nói mạnh nhưng trước đây đưa ra họp quy hoạch với các sở, ban, ngành thì các anh cũng im lặng để đổi khu đó đi.
Tôi phải rất quyết liệt mới giữ lại được khu đó nhưng lại bị đổi công năng, không để làm CVPM PM nữa mà làm thứ khác. Đến bây giờ có nhà đầu tư Singapore, chúng ta lại dành một phần diện tích ở Khu đô thị Đa Phước để làm, không phải chỗ cũ mà là chỗ khác, nhưng lại đang vướng thủ tục.
Nói như vậy để thấy việc TP chưa thật sự quyết liệt để tập trung hết mình cho lĩnh vực này một phần là do trở ngại liên quan đến nhà đầu tư, một phần là do lãnh đạo TP có những thay đổi, không nhất quán trong vấn đề kêu gọi đầu tư, nên có một số dự án cũng đáng tiếc như anh Phạm Kim Sơn đề cập!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Ưu tiên xứng đáng CNPM trong thời gian tới
Trong bối cảnh đó, ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh điểm sáng Khu đô thị FPT và Đại học FPT dành để hỗ trợ cho phát triển công nghiệp CNTT, hiện nay đang triển khai cơ bản đúng như tinh thần ban đầu. Hiện số lập trình viên làm việc ở đó đã lên hơn 2.000 người, và dự kiến đến cuối năm 2020 có thể lên tới 10.000 người.
“Tôi cho rằng mạnh mẽ phát triển ngành CNPM là một trong những định hướng rất đúng, hiệu quả đem lại cực kỳ nhanh chóng. Đầu tư ít tốn kém, có thể dành cho doanh nghiệp đầu tư, nhưng tạo ra nguồn thu rất lớn và đặc biệt là thu hút lực lượng lao động có tay nghề, chuyên nghiệp, có thu nhập cao… giúp cho TP phát triển rất nhanh chóng về nhiều phương diện. Vì vậy tôi thống nhất xem lĩnh vực này là một trong những lựa chọn hàng đầu trong cơ cấu phát triển kinh tế của TP Đà Nẵng!” – ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho hay, Thường trực và Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã đánh giá lại quá trình phát triển lĩnh vực CNPM trên địa bàn. Đến nay, khi CVPM số 1 đã hết diện tích thì vẫn chưa có CVPM số 2. Có nghĩa sự chuẩn bị cho bước tiếp theo trong lĩnh vực này là rất chậm.
“Cũng phải chia sẻ, anh Thơ nói rất đúng. Khi quy hoạch 10ha ở Khu đô thị quốc tế Đa Phước thì cũng có rất nhiều ý kiến. Anh Thơ cũng có quyết tâm giữ lại phần đất công ở chỗ đó, chớ không thì bị xẻ mất rồi!” – ông Trương Quang Nghĩa thông tin. Đồng thời cho biết trong thời gian vừa rồi lãnh đạo Đà Nẵng cũng đã giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát, ngoài khu Đa Phước thì còn một vài chỗ khác, như ở quận Thanh Khê, để dành ưu tiên cho CNPM.
“Tính hiệu quả của CNPM không cần phải phân tích thêm nữa. Chỉ với một lực lượng và hạ tầng nhỏ gọn như hiện nay nhưng doanh thu đã lên tới 15.000 tỉ đồng. So sánh với 19.500 tỉ của ngành du lịch sẽ thấy lợi ích giữa đầu tư và hiệu quả của CNPM như thế nào. Tôi đang lắng nghe một số dự án đang bị trục trặc và cũng muốn nhấn mạnh là TP đang quyết tâm chọn CNPM là lĩnh vực phải ưu tiên xứng đáng trong thời gian tới!” – ông Trương Quang Nghĩa nói.
Theo Hoài Châu (infonet.vn)